Ngày 24/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết một số quận huyện không có ca bệnh mới, nhiều nơi ghi nhận số ca giảm.
Tích lũy từ đầu mùa dịch, thành phố ghi nhận 743 ca sởi. Trong đó, trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%, trẻ dưới 9 tháng chiếm 24%. Đến nay, 55 trường học tại 17 quận huyện có phát hiện ca bệnh sởi.
Tiêm vaccine sởi cho trẻ tại trường Mầm non Tân Kiểng, quận 7. Ảnh: Sở Y tế TP HCM
Theo bác sĩ Châu, tổng số mũi tiêm trong chiến dịch tuần qua tăng gấp 2,4 lần so với tuần trước đó. Việc tham gia của các cơ sở tư nhân đã giúp người dân có thêm lựa chọn thuận tiện để đưa trẻ đi tiêm. Hiện, thành phố đã tiêm hơn 35.000 trẻ 1-5 tuổi, chiếm khoảng 72% tổng số trẻ dự kiến cần tiêm. Với nhóm trẻ 6-10 tuổi, chiến dịch đã tiêm được hơn 52%.
Tuy nhiên, kết quả tiêm chưa đồng đều giữa các quận huyện. Sở Y tế yêu cầu các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ tiêm chủng. Các quận huyện có ca mắc mới tăng cần xem lại việc rà soát trẻ trong địa bàn để không bỏ sót, nhất là các khu vực thường xuyên có di biến động dân cư.
Thành phố đang nỗ lực để sớm công bố hết dịch sởi. Điều kiện hết dịch là 21 ngày không ghi nhận ca bệnh mới sau khi kết thúc chiến dịch tiêm vaccine. Trước đó, UBND TP HCM công bố dịch sởi từ chiều 27/8, triển khai chiến dịch tiêm vaccine miễn phí để nâng miễn dịch cộng đồng từ 31/8.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.
Lê Phương