"Sẽ không có tôi hôm nay nếu không có sự hi sinh của cô ấy", anh Phạm Văn Tú, 33 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai, nói.
Năm 2012, anh Phạm Văn Tú là sinh viên năm cuối ngành cơ khí ở Nhơn Trạch, Đồng Nai được người bạn giới thiệu cô gái quê Nghệ An Lâm Thị Hương, là công nhân ở Vũng Tàu. Hai người nhanh chóng trở thành một đôi.
Tú chụp ảnh lưu niệm tháng 1/2014, khi chưa bị tai nạn lao động. Ảnh: Tu Pham
Nhưng sau hai năm yêu, anh Tú cảm thấy có một khoảng cách lớn giữa họ nên đề nghị chia tay. Hương thì níu kéo. "Để em lên gặp anh lần cuối, mình nói chuyện rồi sẽ quyết định", cô nói.
Một ngày cuối tháng 3/2014, cô gái từ Vũng Tàu đến Đồng Nai thăm người yêu như đã hẹn. Tối đó, cô ngủ lại nhà trọ của Tú chờ người yêu đi làm ca đêm. Sáng ra, cô nhận tin anh bị sắt đè trúng cột sống trong lúc làm việc.
Hương nghỉ làm, cùng chị gái người yêu chạy vào viện.
Tỉnh dậy sau một ngày hôn mê, Tú thấy mắt Hương thầm quầng vì khóc. Anh chỉ im lặng, cứ nghĩ mình nằm viện ít ngày sẽ lành lặn trở lại. Nhưng tai nạn khiến chàng trai liệt nửa người, vệ sinh không tự chủ. Cứ hai tuần một lần, Hương lại từ Vũng Tàu về bệnh viện ở TP HCM thay người thân của Tú túc trực, chăm anh.
"Chăm một người liệt cực lắm, nhưng cô ấy không một lời than vãn", anh Tú kể.
Nằm viện một tháng, chàng trai Đồng Nai phải phẫu thuật xương sống. Bác sĩ kết luận anh bị liệt vĩnh viễn từ thắt lưng trở xuống, chỉ sống được 1-3 năm.
Bà Đặng Thị Họt, 67 tuổi, (mẹ anh Tú) kể lúc đó cô người yêu của con trai "khóc nhiều hơn cả tui". "Thế mới biết nó thương thằng Tú cỡ nào", bà nói.
Nhưng quanh Tú, có bệnh nhân sắp cưới bị bạn gái chia tay, người có vợ cũng bị bỏ. Anh không tin tình cảm vốn đã chông chênh của mình có thể giữ được Hương. "Trước sau gì người ta cũng rời xa mình, thôi thì chủ động tách ra cho đỡ đau lòng", anh nghĩ.
Một lần nữa anh nói lời chia tay. Hương không đáp, chỉ lặng lẽ lật lưng cho người yêu, giúp anh vệ sinh mỗi ngày. Lúc anh vùng vằng đòi dừng lại, cô đáp: "Em thương anh thì lành lặn hay tật nguyền vẫn thương. Nếu sợ cực, em đã biến mất từ khi nghe tin anh tai nạn".
Bố mẹ Hương biết con yêu chàng trai nằm liệt giường cũng quyết liệt phản đối. Để cha mẹ yên lòng, Hương giả vờ đã chia tay, nhưng vẫn đều đặn mỗi tuần lại đến bệnh viện đổi ca với chị và mẹ người yêu.
Mỗi lần mở mắt thấy bạn gái bên mình, nỗi đau cơ thể anh Tú dịu lại. Anh xấu hổ khi thấy mọi người bỏ thời gian, công sức lo cho mình, anh lại chỉ nghĩ đến cái chết.
"Không đủ dũng khí để chết thì phải cố gắng không thành vô dụng", anh tự nhủ.
Sau hai tháng, Tú bắt đầu vịn tay, tự lết vào nhà tắm của bệnh viện để vệ sinh. Anh được bạn gái đưa đến trung tâm phục hồi chức năng tập đi lại, học cách trèo lên xe lăn nếu chẳng may bị ngã. 6 tháng sau tai nạn, Tú được ra viện, có thể tự chăm sóc bản thân, thể dục mỗi ngày.
Gia đình Hương biết cô vẫn dây dưa với chàng trai ngồi xe lăn nên giục về quê lấy chồng. Các chị cô liên tục gọi điện cho Tú nhờ khuyên nhủ và "buông tha" em gái mình.
"Em cũng đã nói nhiều lần nhưng cô ấy không chịu. Hơn nữa, tụi em thương nhau là thiệt", Tú đáp.
Hương và anh Tú chụp ảnh lưu niệm năm 2019. Ảnh nhân vật cung cấp
Thay vì về quê, Hương chuyển từ Vũng Tàu về Đồng Nai làm việc để tiện chăm người yêu. Cô thuê trọ gần nhà anh. Hai tháng sau Tú bảo cô về ở chung cho đỡ tốn tiền phòng. "Đến giờ bố mẹ tôi cũng không biết con gái sang nhà chồng từ ngày đó", Hương cười, nhớ lại.
Tình cảm của cô gái khiến Tú như được tiếp thêm sức mạnh. Anh lên mạng xã hội học sửa chữa, thay mới pin các dòng xe điện. Năm 2017, Tú mở một cửa hàng bán và sửa chữa pin tại nhà. Anh bắt đầu nghĩ đến đám cưới khi thấy thu nhập tăng mỗi ngày.
Năm 2020, Tú cùng bạn gái về Nghệ An thuyết phục bố mẹ cô. Nhìn chàng trai ngồi xe lăn có nụ cười hiền, đôi mắt tự tin, ông Lâm Hùng, bố Hương bớt phiền lòng hơn.
"Con tuy khiếm khuyết nhưng bù lại không rượu chè, biết làm ăn. Con hứa sẽ thương và bù đắp cho Hương những thiệt thòi phải chịu", anh Tú nói.
Thấy chàng trai thật lòng, vợ chồng ông Hùng gật đầu.
Ở nhà thấp thỏm đợi tin, bà Họt vỡ òa hạnh phúc khi Tú nhắn mẹ chuẩn bị trầu cau. "Là do cái Hương quyết thương thằng Tú nên ông bà thông gia phải chịu, chứ con trai tui chỉ nói phụ vào", bà Họt kể.
Năm đầu Tú ra viện, mấy mẹ con cố lắm ngày chỉ kiếm 50.000-100.000 đồng. Có người còn nói Tú liệt, nếu không đi bán vé số thì mẹ cũng phải nuôi cả đời.
"Nhưng giờ con tôi có người thương nhờ thế mà có công việc thu nhập tốt. Chính tôi cũng bất ngờ", bà nói.
Trong đám cưới năm 2021, Tú gây xúc động với quan khách khi tay đẩy xe lăn, tay cầm mic hát "Làm vợ anh nhé", rồi tiến về phía Hương đón cô. Ảnh: Tu Pham
Sau đám cưới một năm, đôi vợ chồng son cất được ngôi nhà khang trang để sống cùng mẹ.
Làm vợ một chàng trai ngồi xe lăn, chị Hương hiếm khi đi chơi cùng chồng. Anh Tú hướng nội, sau tai nạn lại càng ngại ra ngoài hơn. Nhưng anh luôn khuyến khích vợ đi chơi, làm đẹp. "Ai cũng nói tui biết ăn diện nên xinh hơn, trẻ hơn ngày con gái", chị Hương nói.
Để bớt gánh nặng cho vợ, nếu mẹ bận, anh lo hết việc nhà, từ rửa bát đến lau nhà. Lương công nhân hàng tháng, chị giữ lại tiết kiệm. Tiền anh chồng làm ra để cả nhà chi tiêu và xoay vòng vốn làm ăn.
Thách thức lớn nhất Hương phải trải qua là làm IVF để sinh con. Sau hai lần nín thở chờ đợi rồi thất vọng, đến lần thứ ba, điều ước được bế con của đôi vợ chồng trẻ sắp thành sự thực.
"Mọi thứ đều tốt đẹp. Nhiều người lấy chồng khỏe mạnh chưa chắc được yêu thương như tôi", chị nói.
Nhìn Hương hạnh phúc, bố mẹ và các anh chị giờ thương rể út như ruột thịt. "Bữa ba vợ vô chơi, tôi nói vui 'Ba thấy hông, nếu xưa ba không cho con cưới Hương thì sao giờ con gái ba hạnh phúc vầy', ông cứ gật gù", anh Tú kể.
Tháng 9 này vừa tròn 10 năm Tú gặp nạn. Thay vì trách móc số phận, anh Tú biết ơn cuộc đời đã làm nên sóng gió để học cách mạnh mẽ vượt qua. Quan trọng hơn, sự hy sinh của vợ trong giai đoạn khắc nghiệt dạy anh biết thế nào là tình yêu đích thực.
"Nếu không có biến cố, có lẽ đời này tôi đã bỏ lỡ mất một người thương tôi hơn cả bản thân", anh nói, vòng tay ôm lấy vợ bầu.
Phạm Nga