Một người được xem là béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 25. Ngày 14/11, BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết như trên, giải thích cơ chế khi áp lực trong lòng tĩnh mạch tăng lên, tổn thương các van tĩnh mạch, máu trào ngược xuống phía dưới gây ứ trệ, dần dần tĩnh mạch giãn lớn, ngoằn ngoèo. Tình trạng này khiến chân sưng phù, chuột rút, tê bì, giai đoạn tiến triển có thể loét, hoại tử, huyết khối...
Như anh Thái, 33 tuổi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám trong tình trạng chân đau như bị kim châm, các búi tĩnh mạch nổi rõ trên da. Hai năm trước anh nặng 102 kg, nay còn 93 kg nhờ chạy bộ giảm cân. Khoảng một năm nay chân nhức mỏi hơn, anh nghỉ ngơi không đỡ, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.
Bác sĩ Trang cho biết Thái bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn ba, còn béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này. Anh bị suy giãn tĩnh mạch không phải do chạy bộ mà đã tiến triển âm thầm từ trước đó với các triệu chứng ban đầu không rõ rệt. Thói quen chạy bộ tần suất cao, 2-3 tiếng mỗi ngày vô tình gây áp lực lên hệ tĩnh mạch, thúc đẩy suy giãn tĩnh mạch tiến triển nặng.
Bác sĩ kê thuốc điều trị nội khoa và đi tất áp lực, kết hợp hế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý cho anh Thái. Anh duy trì chạy bộ khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc kết hợp chạy - đi bộ nhanh. Bác sĩ khuyến khích anh nên bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, pilates..., sau một tháng, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch giảm.
Bác sĩ Trang can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trường hợp khác là anh Tâm, 37 tuổi, cao 1,8 m và nặng 103 kg, BMI là 31,79, đã bị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nhiều năm nhưng không phát hiện, hiện đã ở giai đoạn 6, tức mức nặng nhất. Anh có vết loét lớn ở cẳng chân sau nhưng điều trị không liền, dấu hiệu hoại tử.
Theo bác sĩ Trang, béo phì là một trong các nguyên nhân khiến anh Tâm suy giãn tĩnh mạch, cộng với yếu tố tiền đái tháo đường nên điều trị vết loét khó khăn. Anh cần can thiệp laser nội mạch xử lý vấn đề suy giãn tĩnh mạch và ghép da ở vết loét. Sau một tháng, tĩnh mạch được đóng kín hoàn toàn, các triệu chứng của bệnh giảm hơn 90%. Vết loét của anh Tâm được ghép da thành công, không còn đau.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các biện pháp điều trị nội khoa và can thiệp chữa suy giãn tĩnh mạch và biến chứng hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kiểm soát yếu tố béo phì, duy trì chỉ số BMI trong mức 18,5-22,9, bởi đây là yếu tố nguy cơ và khiến bệnh tiến triển nặng. Người thừa cân cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ, ung thư.
Anh Thái và anh Tâm sau khi điều trị tại khoa Tim mạch và Chấn thương chỉnh hình, tiếp tục được điều trị béo phì. Người bệnh được cá thể hóa phác đồ kết hợp nội khoa, chế độ dinh dưỡng, vận động, sử dụng công nghệ cao.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp