Những ngày qua, trên một diễn đàn du học Trung Quốc với hơn 200.000 thành viên, chủ đề "trượt học bổng" thu hút sự quan tâm. Các bài đăng liên tiếp chia sẻ trường hợp của mình, xin tư vấn và tìm cơ hội khác.
Phương Linh, 18 tuổi, ở Hà Nội, có điểm học tập (GPA) đạt 9,2/10; chứng chỉ HSK 6 (bậc cao nhất) với 236/300 điểm và kỹ năng khẩu ngữ HSKK cao cấp 73/100 điểm, là một trong số đó.
Nữ sinh cho hay ngoài thành tích học tập, em còn là người sáng lập câu lạc bộ tiếng Trung ở trường cấp ba, từng tham gia trại hè và học một năm tiếng trực tuyến tại Đại học Tài chính Trung ương Trung Quốc. Dù vậy, nộp đơn xin học bổng vào bốn trường, Linh đã trượt ba.
"Em sốc. Em đã rất tự tin với hồ sơ, cố gắng trả lời phỏng vấn trôi chảy, đầy đủ. Hôm đó, các thầy cô cũng vui vẻ", Linh nhớ lại.
Mai Hoa, 22 tuổi, cũng mới nhận tin trượt học bổng CIS (dành cho các ngành ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc) hệ một năm của Đại học Sư phạm Hoa Đông và Ngoại ngữ Bắc Kinh. Hoa là cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung của trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, đạt GPA 3.8/4 và HSK 5.
"Em dự định tốt nghiệp xong là du học nhưng không ngờ trượt", Hoa nói.
Ứng tuyển học bổng CIS nhưng ở hệ thạc sĩ, Thanh Ngân, cử nhân Đại học Hà Nội, không được Đại học Thiên Tân chấp nhận. Trước đó, với GPA 3.5/4, chứng chỉ HSK 6 đạt 252/300 điểm và HSKK 71/100 điểm, Ngân nghĩ mình "chắc chắn đỗ".
Ba nữ sinh nói đã tìm hiểu kỹ trước khi ứng tuyển. Họ nhận định hồ sơ của mình tương tự, thậm chí tốt hơn nhiều ứng viên đỗ các năm trước nên bất ngờ khi trượt.
"Học bổng Trung Quốc năm nay có sự cạnh tranh khốc liệt", Linh đánh giá. "Dù còn chờ kết quả học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) từ Đại học Giao thông Bắc Kinh nhưng em không còn quá hy vọng".
Sinh viên Viện Công nghệ Bắc Kinh rời khỏi ký túc xá hồi tháng 6/2022. Ảnh: ThinkChina
Các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực du học Trung Quốc đưa ra nhận định tương tự.
Theo TS Nguyễn Quốc Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn du học QTEdu, ba loại học bổng Trung Quốc phổ biến với du học sinh Việt là CSC, CIS và học bổng địa phương. Trong đó, học bổng CIS thường nhiều nhất, các năm trước không quá cạnh tranh, song năm nay khó khăn hơn.
Học bổng này gồm học phí, phí ký túc xá, trợ cấp hàng tháng khoảng 2.500-3.500 nhân dân tệ (8,6-12 triệu đồng), với hai loại: Loại A do Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp 100%; loại B là diện hợp tác giữa Bộ này với các đại học, thường do các trường tự tuyển chọn.
Ông Tư cho hay những hồ sơ được coi là "đẹp" với điểm GPA 8,5-9, có chứng chỉ tham gia trại hè ở Trung Quốc hoặc thành tích nghiên cứu khoa học, năm nay bị loại nhiều hơn. Trong 150 ứng viên của công ty ông, phần lớn có HSK 6, chỉ 6 người, chiếm 4%, đỗ học bổng loại A, trong khi năm ngoái tỷ lệ này là 12%.
Bà Đậu Thị Thúy Vân, Trưởng phòng tuyển sinh của Công ty Du học Hoa Ngữ, đồng tình. Bà dẫn chứng nhiều trường ở Trung Quốc, như Đại học Chiết Giang, nhiều năm có học sinh Việt trúng học bổng nhưng năm nay không có. Hay với một đại học ở Liêu Ninh, ứng viên các năm trước có HSK 4 là đỗ, còn giờ có HSK 5 vẫn trượt.
"Một số trường tại Bắc Kinh gợi ý học sinh tự trả phí hoặc ứng tuyển học bổng thành phố", bà Vân cho hay.
Ông Tư và bà Vân cho rằng lý do chính là học sinh Việt ngày càng chuộng du học Trung Quốc, dẫn tới gia tăng số hồ sơ ứng tuyển.
"Năm 2023, theo mã định danh hồ sơ nộp lên hệ thống CIS, khoảng 6.000 học sinh Việt Nam ứng tuyển. Năm nay, con số này tăng gấp 1,5 lần, lên gần 9.200", ông Tư cho hay.
Hồ sơ tăng, trong khi học bổng có định mức nhất định. Vì thế, để chọn được ứng viên, đơn vị cấp học bổng phải lựa chọn kỹ hơn trước, theo chuyên gia một viện đào tạo và giảng dạy tiếng Trung, liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc.
"Mọi năm, HSK 4 có thể đỗ nhưng năm nay, học sinh có HSK 6 mà điểm kỹ năng thành phần thấp vẫn bị loại", bà này nói.
Cán bộ phụ trách giáo dục của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho biết hồ sơ ứng tuyển từ Việt Nam tăng cao, song không tiết lộ số cụ thể.
"Ngày càng nhiều học sinh Việt Nam muốn du học Trung Quốc do mối quan hệ giữa hai nước phát triển, nhu cầu nhân sự biết tiếng Trung lớn", ông nhận định.
Các chuyên gia người Việt nhận định cơ hội giành học bổng du học Trung Quốc các năm sau có thể còn khó khăn hơn. Lý do là một số trường cho biết nước này đã bỏ tiêu chí về số sinh viên quốc tế trong xếp hạng đại học, cao đẳng. Trong khi, trước đó, các trường muốn lên hạng đều phải đạt tỷ lệ nhất định ở tiêu chí này.
Ngoài ra, nhiều trường năm nay yêu cầu ứng viên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Bộ Giáo dục tổ chức, thay vì chỉ xét hồ sơ như trước. Kỳ thi gồm môn tiếng Trung chuyên ngành (Khoa học xã hội, Kinh tế - Thương mại, Khoa học - Kỹ thuật và Y học) và môn cơ sở (Toán, Vật lý, Hóa học). Số môn thi của mỗi trường có thể khác nhau.
"Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự khắt khe hơn", bà Vân đánh giá.
Để chuẩn bị cho năm tới, các chuyên gia khuyên ứng viên cập nhật thông tin thường xuyên. Ngoài ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh cũng cần nỗ lực để thi đạt HSK cao nhất có thể tăng khả năng cạnh tranh.
"Ngoài ra, các em nên dự tuyển đồng thời nhiều loại học bổng", ông Tư gợi ý.
Linh thấy may mắn vì đã chuẩn bị phương án dự phòng. Nữ sinh đã trúng tuyển sớm Học viện Ngoại giao và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (ULIS) nên nếu trượt cả 4 nguyện vọng, em vẫn có trường để học.
Còn Ngân đã đi làm nhưng sẽ tiếp tục ứng tuyển vào năm sau. Hoa cũng tương tự. "Mình không nhụt chí, sẽ ôn để thi lên HSK 6 và nộp hồ sơ thạc sĩ vào tháng 3/2025", cô nói.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, năm học trước, hơn 23.500 sinh viên Việt Nam học tập ở Trung Quốc, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018 (11.000). Trong số này, khoảng 1.600 người nhận học bổng chính phủ.
Bình Minh