Kể từ khi bứt phá mốc 2.000 USD một ounce vào cuối năm 2023, giá vàng thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện kim loại quý neo quanh vùng 2.500 USD mỗi ounce, tức cao hơn 25% so với đầu năm.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB, nhận định hai yếu tố chính góp phần vào xu hướng tăng giá vàng thời gian qua là bất ổn địa chính trị và lực mua của các ngân hàng trung ương. Các đợt cắt giảm lãi suất toàn cầu sẽ là yếu tố thứ ba thúc đẩy giá vàng đi lên trong những tháng tới.
"Kim loại quý đang cho thấy tiềm năng tươi sáng. Chúng tôi dự báo vàng có thể lên 2.700 USD mỗi ounce vào giữa 2025 và khả năng đạt 3.000 USD trong thời gian dài hơn", ông Heng Koon How nói.
Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB. Ảnh: UOB
Dự báo của các ngân hàng hàng đầu thế giới khác cũng chung góc nhìn lạc quan với kim loại quý. Goldman Sachs nhận định, vàng trong "thị trường tăng giá không thể lay chuyển" và đã cập nhật dự báo cuối năm lên 2.700 USD một ounce.
Hồi tháng 7, JP Morgan dự phóng giá vàng sẽ lên mức trung bình 2.500 USD mỗi ounce trong quý IV/2024 và 2.600 USD vào năm 2025. Đây là kịch bản thận trọng và chuyên gia của JP Morgan nghiêng về phương án các mốc này có thể đạt được sớm hơn dự tính.
Động lực tích cực cho giá vàng được các chuyên gia nhìn nhận chính là đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cùng với lãi suất thấp hơn và lợi suất trái phiếu dài hạn giảm. Theo ông Heng Koon How của UOB, khác với các công cụ nợ hoặc đầu tư vốn chủ sở hữu khác, vàng không trả lãi suất hoặc cổ tức thường xuyên. Do đó, với lãi suất và lợi nhuận dài hạn lên tới 5% trước đây, chi phí cơ hội khi đầu tư vào vàng là đáng kể.
"Chi phí cơ hội này dự kiến giảm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Do đó, chúng tôi kỳ vọng các tổ chức sẽ tiếp tục mua vàng những tháng tới", ông Heng Koon How, nhận định.
Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ có xu hướng giảm dần và thị trường việc làm suy yếu, giới phân tích đồng thuận Fed có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ tháng 9. Việc thị trường toàn cầu biến động gần đây, các chuyên gia thậm chí kỳ vọng mức cắt giảm mạnh hơn. Lợi suất chuẩn trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 4,5% trong quý II xuống chỉ còn dưới 4% vào tháng 8.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương, hai yếu tố tạo động lực cho giá vàng thời gian qua, theo các chuyên gia, sẽ tiếp tục duy trì.
Vàng miếng tại một tiệm ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, ngày 12/4/2024. Ảnh: Reuters
Bất ổn địa chính trị xoay quanh hai cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông đã hỗ trợ vàng như là kênh trú ẩn an toàn. Cùng với sự mất giá của đồng nội tệ, các báo cáo gần đây cũng chỉ ra nhà đầu tư cá nhân đã tăng mua vàng vật chất để phòng ngừa bất ổn ngày càng tăng.
Từ phía các ngân hàng trung ương, trên thực tế, lượng vàng trung bình mà các thị trường mới nổi và châu Á nắm giữ vẫn chiếm ít hơn 5% bảng cân đối kế toán. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng trung ương thị trường phát triển và châu Âu là khoảng 10%.
Một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho thấy, lý do chính khiến các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi phân bổ nhiều hơn vào vàng vì kim loại quý được coi là miễn nhiễm với rủi ro thanh toán bằng USD và rủi ro trừng phạt.
Thận trọng hơn so với các dự báo khác, Ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sỹ UBS cho rằng vàng vẫn có thể đối diện với đợt giảm giá, tuy nhiên điều này cũng chỉ trong ngắn hạn. Ngân hàng này dự báo kim loại quý lên 2.600 USD vào cuối năm nay và là khoản đầu tư hợp lý để đa dạng hoá danh mục trong dài hạn.
Quỳnh Trang