"Dược sĩ hỏi tôi có cần mua toa hai loại không vì không dùng cũng không sao, tôi mới biết đây là thực phẩm chức năng", chị Huyền cho hay, thêm rằng không được bác sĩ tư vấn dùng thuốc khi kê toa.
Toa thực phẩm chức năng được bác sĩ kẹp vào mặt sau toa thuốc nên chị Huyền không phát hiện ra. Toa này ghi "Phiếu tư vấn sản phẩm, mỹ phẩm hỗ trợ điều trị" và "Bác sĩ phải tư vấn, giải thích rõ ràng lý do sử dụng và được sự đồng thuận của bệnh nhân". Hai sản phẩm này được bác sĩ đánh dấu vào ô ghi chú sẵn trong toa là hỗ trợ điều trị và mau lành bệnh.
Sau khi cân nhắc, tham vấn ý kiến dược sĩ nhà thuốc, chị Huyền quyết định chỉ mua toa thuốc và không mua thực phẩm chức năng. Tổng tiền chị mua thuốc hơn 800.000 đồng. Hiện chị Huyền uống thuốc hai ngày, hiệu quả chưa rõ, song "hơi lo không dùng thêm sản phẩm chức năng bác sĩ kê toa thì có chậm lành bệnh không".
Còn chị Hà Minh, 39 tuổi, bị trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa, được bác sĩ kê toa hai loại thuốc điều trị và hai loại thực phẩm chức năng. Trong đó, thực phẩm chức năng gồm hộp 20 gói men vi sinh giá 400.000 đồng và hộp 60 "viên uống ngoại nhập" giá gần 900.000 đồng, trên bao bì ghi rõ "thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Tuy nhiên, chị Minh không được bác sĩ kê toa giải thích đây là thực phẩm chức năng. "Có lẽ đông bệnh nhân nên bác sĩ không có thời gian nói rõ, nhưng sản phẩm do bác sĩ kê nên dù tốn kém tôi vẫn cứ phải mua thôi", chị Minh nói.
Tương tự, anh Mạnh, 48 tuổi, được bác sĩ chẩn đoán đau đầu do căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, kê 3 loại thuốc điều trị và thêm hộp 30 viên uống loại 80 mg có tác dụng hỗ trợ tăng cường tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ giá gần 400.000 đồng.
Theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm chức năng gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Quy định hiện nay, bao bì thực phẩm chức năng phải ghi khuyến cáo "sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2016 quy định bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc.
Do đó, bên cạnh đơn thuốc, đa số bác sĩ kê riêng các thực phẩm chức năng vào tờ giấy khác, thường được ghi là "Sản phẩm hỗ trợ" hoặc "Phiếu chỉ định", "Phiếu tư vấn"...
Nhiều bác sĩ không ủng hộ kê thực phẩm chức năng cho bệnh nhân. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết trong bệnh lý đột quỵ, ông không kê toa và không khuyến khích sử dụng thực phẩm chức năng cho bệnh nhân vì hiện nay có rất nhiều loại thuốc hiệu quả, chỉ cần thuốc là đủ để điều trị bệnh. Việc sử dụng thêm thực phẩm có thể làm tăng chi phí và tăng gánh nặng cho gia đình người bệnh.
Ông lý giải các loại thực phẩm chức năng thường là những dược chất có nguồn gốc tự nhiên, với mục đích bổ sung và hỗ trợ điều trị. Khác với các dược phẩm y khoa, vấn đề của thực phẩm chức năng là thiếu những chứng cứ tin cậy về tính hiệu quả và an toàn.
Tuy nhiên, cũng có một số ít tình huống, bác sĩ buộc phải kê thực phẩm chức năng cho bệnh nhân. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi, nói ông "rất hiếm khi" nhưng cũng không thể tránh khỏi chỉ định thực phẩm chức năng cho bệnh nhân. Bởi, nhiều trường hợp thuốc bổ, vi chất, thuốc hỗ trợ điều trị chỉ sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng.
Chẳng hạn, với thuốc làm mềm phân cho trẻ táo bón, công ty dược chỉ sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng. Trên thực tế, đây là thuốc không quá quan trọng, nếu sản xuất theo hình thức thuốc điều trị thì sẽ rất tốn kém, quy trình gắt gao hơn. Giá thành sản phẩm này ở dạng thực phẩm chức năng cũng sẽ thấp hơn, đỡ tốn kém hơn cho bệnh nhân, so với dùng thuốc có tác dụng điều trị tương đương.
"Thực phẩm chức năng không phải lúc nào cũng xấu, quan trọng nhất là lương tâm của bác sĩ", bác sĩ Khanh nói, thêm rằng không loại trừ trường hợp một số bác sĩ, có thể vì lợi ích kinh tế, đã lạm dụng trong việc kê thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc không quá thật sự cần thiết cho bệnh nhân. Chưa kể, vẫn còn trường hợp bác sĩ - nhất là ở các phòng mạch tư, kê thực phẩm chức năng chung vào đơn thuốc, gây nhầm lẫn cho người bệnh.
Thực phẩm chức năng vẫn có thể là thuốc trong một số trường hợp. Đơn cử, vitamin C, glucosamine bình thường có thể coi là thực phẩm chức năng, song nếu bệnh nhân cần phải bổ sung cho điều trị bệnh thì những chất này lại được coi là thuốc, theo Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175.
Ngoài ra, trong điều kiện bình thường, thực phẩm chức năng không phải dạng thuốc phải có đơn của bác sĩ, nên bất kỳ ai cũng có thể tự ý mua không cần bác sĩ kê toa. Bác sĩ có tư vấn bệnh nhân đi mua thực phẩm chức năng hay không còn phụ thuộc vào sở thích của bệnh nhân, tình trạng bệnh lý kèm theo cũng như điều kiện kinh tế.
Nhân viên y tế tại nhà thuốc bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết ngành thực phẩm chức năng đang ngày càng phát triển. Thực tế, sản phẩm thực phẩm chức năng của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành.
Bà Lan cho biết đã yêu cầu cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào quảng cáo thực phẩm chức năng để nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và uy tín của ngành y tế.
Các chuyên gia cho rằng thực phẩm chức năng cần được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sản xuất và theo dõi an toàn trước khi cho phép sử dụng rộng rãi. Theo phó giáo sư Thắng, người bệnh cần lưu ý thực phẩm chức năng chỉ có giá trị hỗ trợ, không thể thay thế các thuốc điều trị - thường có những bằng chứng rõ ràng về hiệu quả và an toàn.
Bác sĩ Khanh cũng khuyên người tiêu dùng phải có kiến thức nhất định về thực phẩm chức năng, biết nguồn gốc sản phẩm từ đâu, của thương hiệu nào. Dùng thực phẩm chức năng vẫn có nguy cơ gây tác dụng phụ với nhiều biến chứng. Sản phẩm không tốt, kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng gan thận.
Trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời, không tự mua thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Cảnh giác với các video "bác sĩ, lương y, bệnh nhân" tư vấn sản phẩm chữa bệnh, bởi nhân viên y tế không được phép quảng cáo mặt hàng này.
Hiện, Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong quảng cáo. Người dân nên chọn mua các sản phẩm thực phẩm có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất rõ ràng.
Lê Phương