Chế độ dinh dưỡng như thế nào để tăng tỷ lệ đậu thai? (Nguyễn Liên, TP HCM)
Trả lời:
Chuyển phôi thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phôi, nội mạc tử cung và khả năng nội mạc tiếp nhận phôi. Chế độ dinh dưỡng trước, trong, sau quá trình chuyển phôi đóng vai trò quan trọng, giúp cân bằng nội tiết tố, tăng cường sức khỏe tử cung, giảm viêm, tạo môi trường tối ưu để phôi làm tổ và phát triển thuận lợi. Dinh dưỡng lành mạnh còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể và sức khỏe tinh thần, ổn định tâm lý, tăng tỷ lệ đậu thai.
Trước khi chuyển phôi, hằng ngày bạn nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Trong đó, quả mọng như việt quất, mâm xôi, dâu tây, nho... chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm nhiễm, stress oxy hóa. Đặc biệt việt quất chứa hàm lượng anthocyanin cao, hỗ trợ tích cực cho khả năng sinh sản của phụ nữ.
Quả tươi chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt như bơ. Nó cung cấp chất béo không bão hòa đơn lành mạnh hỗ trợ cân bằng nội tiết tố và tăng cường sức khỏe sinh sản. Bơ cũng chứa nhiều folate, dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của thai. Tuy nhiên, phụ nữ bổ sung bơ nên điều độ bởi nó có nhiều calo và chất béo.
Nên ăn rau lá xanh như cải xoăn, bông cải xanh, rau bina, cải xoong, cải cầu vồng, rau diếp, bắp cải... do giàu dưỡng chất, nhiều chất xơ, vitamin hỗ trợ quá trình tiết hormone estrogen diễn ra bình thường, cải thiện độ dày của nội mạc tử cung. Trong đó, cải xoăn chứa nhiều vitamin A, C và K có tác dụng chống oxy hóa. Rau bina, bắp cải cung cấp nhiều folate giúp giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ, hỗ trợ niêm mạc tử cung khỏe mạnh.
Bạn cũng nên ăn thêm các loại hạt và ngũ cốc như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, macca, đậu phộng... đã chế biến rang, sấy. Uống sữa hạt điều cũng có lợi bởi chứa nhiều axit béo thiết yếu, các dưỡng chất vi lượng.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến tư vấn phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Hoài Thương
Protein có trong các loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt gà, tôm, thủy hải sản, trứng, sữa... chứa nhiều axit amin và khoáng chất làm tăng sản xuất hormone, cải thiện chất lượng trứng, tăng độ dày nội mạc tử cung để sẵn sàng đón phôi vào làm tổ.
Các loại dầu ô liu, dầu thực vật... hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm dễ dàng hơn, đồng thời hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh. Ăn đa dạng các loại thực phẩm trên cũng giúp cơ thể bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho phôi thai phát triển như axit folic, sắt, kẽm, vitamin A, B, E, canxi, iốt...
Bạn không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, chiên rán nhiều dầu mỡ... Chúng thường nhiều chất béo chuyển hóa, đường và các chất phụ gia ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết tố, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Tránh các loại nước ngọt có gas, rượu bia, cà phê... Không ăn hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao. Hạn chế ăn nhiều đậu nành. Tránh ăn thịt hoặc hải sản sống hoặc chưa được nấu chín kỹ bởi tiềm ẩn nguy cơ có ký sinh trùng, vi khuẩn.
Bạn uống đủ nước lọc mỗi ngày, kết hợp những bài tập thể chất nhẹ nhàng để cân nặng ổn định, tăng cường sức khỏe nhằm tối ưu kết quả điều trị.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo YếnTrung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp